Đạo nhạc ở Việt Nam và căn bệnh bao năm vẫn không chữa được
Hiện nay tình trạng đạo nhạc ở Việt Nam diễn ra rất nhiều,Vì sao nạn đạo nhạc không ngừng tiếp diễn và ngày càng biến ảo, tinh vi? và câu chuyện diễn ra nhiều năm nay mà vẫn chưa thật sự có hướng giải quyết cụ thể.
1. Đạo nhạc là gì?
Đạo nhạc là việc sử dụng hoặc bắt chước gần giống sản phẩm âm nhạc của người khác trong các ca khúc gốc của chính mình. Có hai trường hợp đạo nhạc: đạo ý tưởng (như nhịp điệu hoặc motif), hoặc bê nguyên một đoạn hoặc toàn bộ. Ở trường hợp thứ 2, nếu hợp pháp, được cho phép sẽ sử dụng cụm từ lấy sample.
Dù vậy, trên thực tế, do hạn chế về số lượng nốt nhạc và các quy định nhạc lý, có những trường hợp được cho là "đạo nhạc một cách vô ý", có nghĩa là họ hoàn toàn không biết tới bài hát kia mà khi sáng tác vẫn có những giai điệu hay ca từ gần giống nhau.
Các yếu tố trong một bài hát có thể bị đạo bao gồm: giai điệu (thứ dễ dàng nhận biết nhất), ca từ, kết cấu, cấu trúc bài hát, vòng hợp âm, hòa thanh, nhịp điệu.
Đạo nhạc là căn bệnh trầm kha bao năm không chữa được
Nói thì là vậy nhưng trên thực tế việc xác định như thế nào là đạo nhạc là vô cùng khó. Có nghệ sĩ cho rằng, chỉ cần giống 6 nốt nhạc thì đã bị coi là đạo nhạc. Các vụ kiện tụng đạo nhạc lại phụ thuộc rất nhiều vào việc tòa án nơi họ khởi tố có kiến thức và nhận định ra sao về đạo nhạc, những bằng chứng mà bên nguyên đưa ra cũng như bên bị kháng cáo.
2. Sản phẩm âm nhạc như thế nào là đạo nhạc?
- Nhịp điệu thường được xem là tiết tấu, nhịp thúc đẩy bài hát. Đây là yếu tố quan trọng xác định hai ca khúc có giống nhau hay không.
- Giai điệu là khái niệm chỉ việc các nốt nhạc được chơi tiếp nối nhau. Khi chúng ta hát ca khúc yêu thích, chúng được gọi là “hát theo giai điệu bài hát”. Trong các yếu tố xác định việc đạo nhạc, Giai điệu và nhịp điệu là điều dễ nhận thấy.
Nhiều bài hát sử dụng cùng tiến trình hợp âm, tương tự với nhau về nhịp. Giai điệu là yếu tố khiến bài hát trở nên đặc biệt. Vì vậy, việc sử dụng trái phép giai điệu bài hát này cho ca khúc khác thường dễ bị chỉ trích, thậm chí bị kiện.
Nếu một người sao chép giai điệu, điều đó gọi là trộm cắp, đạo nhạc. Tuy nhiên, nếu trả tiền bản quyền cho nhạc sĩ gốc, giống với trường hợp Ariana Grande sử dụng giai điệu My Favourite Things của Rodgers và Hammerstein vào 7 Rings, đây gọi là nội suy.
Có nghĩa là việc ca sĩ mượn một giai điệu hiện có và sáng tạo lại (được cấp phép) ca khúc hoàn toàn mới là có thể chấp nhận được.
- Sampling nói về việc sử dụng một đoạn nhạc sẵn có để tạo ra bài hát mới. Đây là cách dễ nhất để nhận biết đạo nhạc. Tuy nhiên, điều này thường bị nhầm lẫn với phép nội suy.
- Flipping là phương pháp được nhiều nhà sản xuất hip hop áp dụng. Flipping nói về việc sử dụng nhiều đoạn nhạc nhỏ khác nhau của các bài hát cũ để tạo ra thứ âm nhạc hoàn toàn mới. Đây là phương pháp quan trọng mà hiphop cống hiến cho nền âm nhạc đại chúng.
- Tái chế phong cách là kỹ thuật phổ biến để tạo ra âm nhạc mới. Nếu việc này biến mất, một số phong cách âm nhạc sẽ biến mất vĩnh viễn.
Mark Ronson dựa nhiều vào âm thanh của Motown những năm 1960 để đưa Amy Winehouse thành ngôi sao năm 2006. Với Bruno Mars, anh lấy âm điệu funk đầu những năm 1980 của Minneapolis để làm nên thành công của Uptown Funk (2014).
Tuy nhiên, sao chép phong cách có thể mang lại những vụ kiện tụng không mong muốn. Song, yếu tố này khó xác định hơn vì suy cho cùng phong cách không phải là thứ được cấp bản quyền.
- Lời bài hát là yếu tố cuối cùng để xác định bài hát có bị đạo không. Ngoài những cụm từ phổ biến như Oh baby (Này em), In your arms (trong vòng tay bạn), Walked on out the door (bước ra khỏi cửa)... việc sử dụng lại những cụm từ mang đặc trưng ca khúc khác dễ vướng vào kiện tụng.
Girlfriend của Avril Lavigne từng bị kiện bởi câu hát “I want to be your girlfriend”. Lời bài hát được cho là sao chép câu hát "I wanna be your boyfriend" trong bài hát cùng tên của The Rubinoos phát hành năm 1979, chỉ đổi giới tính.
3. Tình trạng đạo nhạc ở Việt Nam
Một ca khúc mới của Sơn Tùng MTP có tên gọi Chúng ta của hiện tại vừa qua bị một đơn vị nước ngoài tố đạo nhạc. Chúng ta của hiện tại có sự tương đồng giai điệu với hai ca khúc R&B All Night (Know Know) và bản beat Is your mine theo style Bruno Mars. Không lâu trước, nhà sản xuất Robin Wesley đã đăng tải đoạn video so sánh giai điệu ca khúc Có chắc yêu là đây của Sơn Tùng MTP và ca khúc Lucky (sản xuất 2019), nhiều người nhận ra nam ca sĩ trẻ quê Thái Bình đã sử dụng beat nhạc của Robin Wesley mà chưa có sự xin phép từ chủ sở hữu.
Robin Wesley nhắc đích danh ca sĩ Sơn Tùng trong cuộc chiến đạo nhạc
Cùng lúc đó, Jack, ca sĩ trẻ có lượng fan đông đảo không kém Sơn Tùng bị “gọi tên” nhiều nhất do vướng vào nghi án đạo nhạc. Từ MV “Em gì ơi”, khi còn hợp tác với K-ICM bị đưa ra mổ xẻ là “đạo” ý tưởng "Vì ai em ra đi" của Akira Phan, và một bản demo "Thứ Jack cần là melody" chưa phát hành đã bị tố sao chép giai điệu bản hit nửa tỷ view “It Ain't Me” của Selena Gomez.
Trong khi Jack vẫn còn đang nằm trong nghi án “đạo” nhạc thì mới đây lại “dính” tiếp khi hai MV "Hoa hải đường" và "Đom đóm" bị dân mạng đem ra soi vì nghi án “đạo” nhạc Hoa Ngữ. "Hoa hải đường" được cho là có sự tương đồng với "Thiên địa vô sương", nhạc phim truyền hình đình đám Hoa Ngữ là "Hương mật tựa khói sương". "Đom đóm" lại được cho rằng lấy ý tưởng trong “Sứ Thanh Hoa” của Châu Kiệt Luân.
Ngay như Erik vừa tung MV mới mang tên “Anh luôn là lý do”, do nhạc sĩ Nguyễn Phúc Thiện sáng tác, nhưng đã vấp phải những tranh cãi trái chiều khi nhiều ý kiến cho rằng sản phẩm của Erik có những giai điệu tương đồng với ca khúc Hoa ngữ Cpop “Tâm lặng như nước” của Ice Paper (ca khúc ra mắt năm 2019 và clip Vietsub ca khúc này đạt gần 10 triệu view trên YouTube).
Sản phẩm của Erik tương đồng với ca khúc Hoa ngữ Cpop “Tâm lặng như nước”
Và với những nghi án đạo nhạc, các ca sĩ Vpop thường hay im lặng, chỉ đến khi bị cư dân mạng bóc phốt và đưa bằng chứng thì mới chịu thừa nhận là bị “ảnh hưởng”, hoặc là mua bản quyền rồi…, chứ gần như ít ai dám thẳng thắn nhận mình “đạo”.
Theo nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu, những người sáng tác ít hiểu biết về âm nhạc và thiếu bản lĩnh, thiếu chuyên nghiệp sẽ dễ bị tác động theo chiều hướng tiêu cực, vay mượn chỗ này chỗ kia làm thành của mình. Để giải quyết vấn đề đạo nhạc, cần có một chiến lược tổng hợp, trong đó có cả việc xây dựng hành lang pháp lý, truyền thông gắn với nâng cao dân trí, thay đổi cách thức giáo dục âm nhạc.